Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

APACHAI - CHUYẾN ĐI NHIỀU CẢM XÚC

APACHAI - CHUYẾN ĐI NHIỀU CẢM XÚC

Mặc dù đã lên kế hoạch đi Apachai từ lâu nhưng do nhiều lí do nên đến tháng 5- 2017, tôi mới thực hiện được chuyến đi đến điểm cực Tây của Tổ quốc.
Apachai cuối tháng 5 là mùa mưa lũ nhưng biết làm sao được, thời điểm này mới đi được.
Chúng tôi thuê xe tại Hà Nội, lúc thông báo giao xe tôi cũng khá lo lắng. Xe Innova đời 2016 liệu có đi đồi núi được không, chủ xe thì bảo đi tốt nhưng tôi cũng lo lo.
Ngày 1: Tài xế đón chúng tôi ở sân bay Nội Bài khoảng 5 giờ chiều, từ đây chúng tôi chạy cao tốc Nội Bài - Lào Cai để lên Sa-pa. Mang tiếng cao tốc nhưng chỉ 1/3  đoạn đầu cho chạy trên 100km/giờ còn  đoạn sau bò 50km/g - rất ức chế..Mặc dù lên phố núi Lào Cai nhưng do chạy dọc theo thung lũng sông Hồng nên đường khá bằng phẳng. Hai bên đường có những rừng cọ, đồi chè khá đệp mắt khi chạy qua đất Phú Thọ, nhưng khi đến Lao Cai thi toàn đất trống đồi núi trọc, có lẽ là tàn dư của thời kì " Đi ta đi khai phá rừng hoang".
Chúng tôi đến Sa- pa lúc 9 giờ tối, và lúc này mới ăn tối vì dọc đường đi không chỗ nào ăn được cả. Chúng tôi chọn cá hồi làm lẩu và gỏi. Quán cá hồi ở đây gây ấn tượng với phong cách trang trí mang đậm nét vùng cao và hoài cỏ.
Trang trí quán ăn (ở trên lầu)


Vật dụng cổ gây không ít tò mò cho 2 cô nhóc


Mặc dù không phải ngày lễ nhưng giá phòng nghỉ ở Sapa khá cao, 400k cho phòng 2 người. Do đến trễ nên chợ tình Sapa cũng đã vãn, chúng tôi tranh thủ dạo phố đêm. Tôi ấn tượng nhất là hồ ở trung tâm Sapa, mùi thối đến ngộp thở mà người ta vẫn đứng tạo dáng chụp hình, vẫn chơi thể thao..

Ngày 2 Sapa - Apachai

Dựa theo chỉ dẫn google thì cung này trên 400km nên chúng tôi bắt đầu hành trình khá sớm. Trả phòng lúc 6 giờ  và tranh thủ ăn sáng với món bánh cuốn của vùng cao. 


Điểm đến đầu tiên của hành trình là thác Bạc nằm ngay trên cung đường nối Lào Cai - Lai Châu. Mặc dù đã đến Sapa 2 lần nhưng đây là lần đầu ghé thác Bạc.Thác khá đẹp, tuy không rộng bằng Bản Giốc nhưng lại rất cao, leo mỏi chân cũng không lên được đỉnh thác, thác có nhiều tầng uốn lượn rất đẹp mắt.























Vé thăm quan thác Bạc chỉ khoảng 20k. Ở xung quanh thác có nhiều hàng quán của người dân tộc bán một số lâm sản của vùng núi Hoàng Liên Sơn.

Chúng tôi quá một chút qua trạm Tôn- điểm khởi hành chuyến leo Phăng  của chúng tôi cách đây 4 năm. Ở đây cũng là cổng vào của một khu du lịch với một thác nước nữa nhưng do không còn thời gian nên chúng tôi chỉ chụp vài tấm hình trạm Tôn để nhớ lại kỉ niệm xưa

Lối leo Phăng

Cổng trạm Tôn


Đến trạm Tôn là chúng tôi gần đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ- một trong tứ đại đèo của vùng Tây Bắc. Lúc chúng tôi lên đến đỉnh đèo cũng khoảng hơn 9 giờ nhưng trời còn rất nhiều sương mù
Đèo Ô Quy Hồ trong sương mù


Đỉnh đèo Ô Quy Hồ

Cuối chân đèo Ô Quy Hồ là động Tiên Sơn -đây là thắng cảnh nổi tiếng của Lai Châu vì vậy chúng tôi quyết định dành thời gian cho nơi này. Vé thăm động và cả mượn đèn pin khoảng 100k (nhưng bảo vệ không xé vé (có lẽ là một hình thức biến tướng của tham ô)
Đường vào động cũng khá dễ đi, không phải leo cao như Ngườm Ngao hay Thiên Cung, Thiên Đường.
Theo nhận xét của cả nhà thì động này hơn đứt Thiên Đường về màu sắc, hình dạng thạch nhũ. Hơn nữa động lại có dòng chảy ngầm chảy sát lôi đi, trong động có nhiều cung nhỏ khác nhau. 
Cổng vào động gây ấn tượng bởi loại cỏ lạ mọc trên vách núi






Cuối động phải lội qua suối để đến đầu nguồn nước. Bọn tôi cứ ngỡ là lối ra nên cố lội vào nhưng cuối cùng là ngõ cụt nên đành phải lội ra và đi trở về
Động đẹp nhưng khách tham quan rất ít. Hôm chúng tôi đi là chủ nhật mà chỉ gặp có 2 đoàn (mỗi đoàn 2 người). Mặc dù nghe dân địa phương nói Lai Châu còn nhiều hang động và thác nước nhưng chúng tôi cũng phải quyến luyến rời Lai Châu vì hành trình phía trước còn hơn 300km nữa.
Chúng tôi ăn cơm trưa ở Lai Châu - quán cơm ở ngay ngã tư đường cũng khá đông khách nhưng dở tệ. - có điều không quá mắc với mỗi người ăn khoảng 50k bao gồm rau muống luộc, đậu phọng rang, gà kho, bò lá lốt...


Phố núi Lai Châu


Vì mới ăn trưa xong nên cả nhóm mệt mỏi và quên mất khúc rẽ đi Apachai ngắn nhất (đường Mường Tè- PaTan-ChungCha) với chỉ 340km  nên chúng tôi đi theo đường Mường Lay qua cầu Hang Tôm.. Tuy xa hơn 30 km nhưng theo chỉ dẫn của Google thì có vẻ đường này dễ đi hơn vì thời gian đi ngắn hơn. Mặc dù có vẻ dễ đi hơn Trung Chải nhưng đây cũng là cung đường khó nhằn với xe 4 bánh. Bắt đầu từ cầu hang Tôm, cung đường chỉ có 1 làn xe uốn lượn quanh co với toàn các khúc cua tay áo, đi hơn 100km để đến chợ Chà Cang mà chẳng có chiếc xe con nào đồng hành, có khoảng 2- 3 xe tải nhỏ chạy ngược chiều.Bác tài chạy khoảng được một đoạn cũng phải nghỉ lái vì quá mỏi tay. Ngồi trên xe mà mình nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra ở cung đường này thì chắc chẳng ai biết.. Đoạn gần đến chợ Chà Cang có một đoạn đèo dốc bị sạt lở may mà xe cũng bò qua được. Đến được chợ Chà Cang, chúng tôi lại nghỉ khoảng 30 phút rồi lại tiếp tục hành trình.

Cung đường từ chợ Chà Cang rộng và ít dốc hơn đoạn từ cầu Hang Tôm. Trên đường đi cũng có khá nhiều xe đi cùng. Ở cung này có nhiều xe buyt đi Apachai. Ấn tượng lớn nhất của tôi là ánh hoàng hôn ở vùng núi phía Tây Tổ quốc, gần 6 giờ chiều mà nắng vẫn làm chói mắt. Tuy không thích cảnh dân cư nhưng cũng phải công nhận những nếp nhà sàn của người Thái ở đây thật đẹp.
Chúng tôi đến Mường Nhé lúc 6g30, trời còn khá sáng và ghé vào quán Quê Hường theo như chỉ dẫn của các đoàn đi trước. Mọi người khen quán này nhiều nhưng mình thì có nhiều ấn tượng không tốt. Quán quảng cáo đủ thứ món nhưng gọi món gì cũng không có, thậm chí có những món họ ghi mà họ chả biết món đó là gì chẳng hạn món gà nấu lá giang. Cuối cùng, bọn mình gọi nhũng món đơn giản nhất như gà luộc, canh rau muống luộc và xào thịt bò. Để ăn mấy món này cả bọn phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ. 7g30 mới có cái ăn và ăn vội vàng để 8 giờ tối tiếp tục hành trình hơn 80km còn lại.

Vì ăn tối trễ nên chúng tôi đi Apachai trong đêm, đoạn từ Mường Nhé đến Apachai không có đèn đường, hơn nữa lại có rất nhiều chú bò nằm ngủ ngoài đường. Suốt đoạn đường vào Apachai chúng tôi chẳng gặp một chiếc xe con nào, cung đường tối mịt một cách đáng sợ, hình như có nhiều chỗ lên xuống dóc nên tôi thấy tai bị ù. Lúc cách Apachai khoảng 10km thì đường bị sạt lở không biết đi lối nào. Theo chỉ dẫn của bác xe tải chở đất, chúng tôi đi theo lối rẽ xuống. Nhìn lối rẽ, mọi người đã lo  không đi được thế mà bác tài xe mình cũng lao xuống để rồi mắc lầy không đi được. Cứ tưởng ngủ luôn giữa núi rừng, may mà có xe ủi đất gần đó, thế là  nhờ vả... và chiếc xe ủi quyền lực đó đã dọn tạm con đường cho bọn mình đi qua sau khoảng 30 phút. Cảm ơn bác xe ủi rất nhiều.

Bọn mình đến đồn biên phòng lúc 22 giờ, mặc dù đã gọi điện báo trước nhung mình có cảm giác đồn biên phòng không hề biết sẽ có đoàn mình đến, và họ cũng chẳng biết số điện thoại mà mình gọ đến là của ai .(số điện thoại mà các đoàn đi trước cung cấp) Mặc dù vậy, các anh biên phòng ở đây cũng tiếp nhận và dẫn bọn mình đến phòng nghỉ.
 MÌnh không quá bất ngờ về mức độ "tiện nghi" của đồn vì đã được các đoàn trước cảnh báo. Nói chung, nhà vệ sinh không sạch lắm nhưng cũng không hôi, giường tuy không đẹp nhưng ngủ không bị ngứa-  mình hay bị ngứa khi ngủ ở các nhà nghỉ. Có điều cửa nẻo ở đây thì hơi đáng sợ: cửa không có chốt còn cửa sổ thì không có cánh. Dù vậy, bọn mình cũng ngủ được một giấc đến sáng mà không có vấn đề gì.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét