Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Chuyến đi Bắc - Chùa Hương

Tôi đến chùa Hương không vào mùa lễ hội. Lúc đầu, định thuê xe taxi với giá khoảng hơn 1trieu trong một ngày, nhưng sau đó, tôi quyết định chọn xe buýt để thử cảm giác du lịch bụi và có thể chủ động việc đi một hoặc 2 ngày ở chùa Hương. Và ngay từ đầu tôi đã có kỉ niệm đáng nhớ với xe buyt Hà Nội,  dù đã bắt đúng xe số 2 nhưng tôi lại bắt xe chiều về chứ không phải xe chiều đi. Thế là lại phải nhảy xuống, may mà phụ xe chưa xé vé. Nói chung, không thể nhìn hướng đi mà bắt xe buýt được, xe này chạy gần như một vòng tròn rồi mới chạy thẳng xuống Hà Tây. Tại bến Hà Tây, gia đình tôi bắt xe 75 đi chùa Hương. Quả thực, chuyến xe này làm cả nhà tôi ngao ngán xe buýt. Dù bắt xe ngay tại bến nhưng đã không còn chỗ ngồi, giá xe thì những 25k, xe chạy rất chậm và không có máy lạnh.
Cảnh bên đường đến chùa Hương.

Như vậy, hành trình xe buýt của tôi mất gần 2 tiếng rưỡi cho chặng đường khoảng 80km. Tại bến Đục, tôi thuê nhà nghỉ Thắng Cơ với giá 300k/đêm. Gửi toàn bộ hành lí ở nhà nghỉ, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá chùa Hương.

Tại bến đò, tôi mua vé thăm quan và vé đò hết 390k (thăm quan 30k/người, vé đò 50k/người nhưng phải mua 6 vé để khỏi ghép). Trong khi chờ đò, chúng tôi tranh thủ chụp một vài tấm ảnh ruộng lúa ở Hà Tây.

Mặc dù đã 9 giờ sáng nhưng tiết trời khá dịu mát, hơn nữa quanh bến đò chỉ có mỗi gia đình tôi cộng với người bán vé nên cả nhà có thể thoải mái tạo dáng chụp hình. Quả thật, chùa Hương mùa không lễ hội mới xứng đáng là nơi của cõi tâm linh.

Lên thuyền, tôi mới biết thêm một bài học nữa về việc ngồi thuyền như thế nào: theo chị lái đò, người nặng nhất sẽ ngồi ở mũi lái còn người nhẹ thì ngồi ở giữa. Tại sao thế nhỉ? bạn nào giải thích xem? và với cách bố trí đội hình như vậy thì thuyền của tôi rõ ràng chạy nhanh hơn cả thuyền có 2 người chèo.
Bé Vân nặng cân nhất nên phải ngồi ở mũi thuyền

Đầu tiên, thuyền tôi ghé vào đền Trình. Được mấy cô thợ chụp hình hướng dẫn, tôi vào tất cả các điện thờ chỉ để cầu xin thần linh phù hộ cho chuyến đi bình an. Và đây là một số hình ở đền Trình.

                                                               Đền Trình 





Bây giờ, chúng tôi bắt đầu chặng đường dài ngồi thuyền khoảng 5km. Theo chị lái đò, tại bến thuyền thì nước khá sâu nhưng bắt đầu từ đền Trình thì chỉ sâu đến ngang ngực, nước suối Yến khá trong và có màu xanh làm tôi có cảm giác khá giống với sông Son ở Quảng Bình.
                                      Cây cầu nối hai bờ suối Yến-  cầu Hội

Bắt đầu từ đền Trình, tôi cũng gặp một vài  đoàn du lịch đi theo tuor vì thế mỗi đò chở khá nhiều người. Theo cô chụp hình, chúng tôi nên tranh thủ bám theo họ để kịp cáp treo. Vì không phải mùa lễ hội, nên cáp treo ở đây chỉ chạy khi đông khách.

Cờ đổi chèo

Đến chỗ có cắm ngọn cờ là nhà mình đi được nửa chặng đường rồi, theo chị lái đò, đến chỗ này thì những thuyền có 2 người  chèo sẽ đổi lái.



Hai bên bờ trồng rất nhiều sen, trước kia, nông dân ở đây trồng lúa nhưng từ khi có dịch ốc bươu vàng thì họ chuyển sang trồng sen.
Để giữ sự trong lành cho nguồn nước suối Yến, ban quản lí chùa Hương không cho phép chạy thuyền máy trên suối, tuy nhiên, cũng có một số người chỉ đi chùa Hương với mục đích khấn lễ nên họ chỉ muốn mau chóng đến động Hương tích, có cung thì ắt có cầu, tôi bắt gặp cảnh một thuyền máy chạy lén trên suối Yến, nhưng khi đền gần bến cáp treo phải đổi sang thuyền chèo để cập bến. Làm chuyện lén lút này còn có cả nhà sư nữa chứ.
                Phía trước đò của mình là cảnh hành khách trên xuồng máy chuyển sang xuồng chèo tay

Đã đến bến Trù, chúng tôi đi vào chùa Thiên Trù. Vì không phả mùa lễ hội nên hầu hết hàng quán ở đây đểu phủ bạt.

Đây là lối lên chùa Thiên Trù, theo mấy cô thợ chụp hình, mới hôm qua đi trên con đường này có con rắn hổ mang bò qua. Nghe thế, cả nhà mình khiếp quá không dám đi chỗ bậc thang vì chỗ đó có nhiều lá rụng hơn đoạn ở giữa.


                                               
                                          Chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù trông thật cổ kính với cổng tam quan có cánh cổng bằng gỗ lim và những bậc đá phủ rêu xanh. Cảnh ở đây yên tĩnh làm cho tâm hồn mình cũng thấy nhẹ nhõm bình an. Đúng là cõi Phật.





Sau khi rời chùa Thiên Trù, cả nhà mua vé đi cáp treo. Ban đầu, tôi định đi bộ nhưng 2 con "heo" nhà mình đều kêu ca phản đối. Thế là tôi chọn giải pháp trung hòa: Lên bằng cáp treo, xuống đi bộ. Giá vé cáp treo ở đây là 80k một chặng còn nếu khứ hồi sẽ là 120k. Nhìn chung, cáp treo chùa Hương cũng khá hiện đại nhưng mỗi tội chạy hơi nhanh. Hình như, người ta đi cáp treo chỉ để đến chùa chứ không để ngắm cảnh.

Động Hương Tích ấn tượng ở khung cảnh âm u nơi cửa hang, tiếc là máy chụp hình của mình không lột tả hết được vẻ đẹp nơi này. Nếu các hang động mình đã đi đều có cửa hang trên những vách núi thì động Hương Tích nằm dưới một vực núi. Xung quanh hang là những khối núi cao với nhiều cây cổ thụ tạo nên khung cảnh rất kì ảo.


Còn trong động Hương tích thì cũng không có gì đặc biệt. Nói chung, chỉ là một cái động nhỏ nếu so với Phong Nha, Ngườm Ngao hay Hua Mạ.






                                               
                                              Đây là bầu sữa mẹ

Ở của hang, thường xuyên có nước nhỏ từ trần hang xuống, nhiều người tin rằng uống nước đó sẽ khỏi nhiều bệnh. Thế là Vân nhà mình cũng ngửa cổ hứng nước thánh.

                                                     Hứng nước thánh

Ngoài của hang có ngự bút của vua Lê Thánh Tông ban cho vùng đất này là Nam thiên đệ nhật động.



Ngoài cổng, một số bà cụ bán rau sắng, món rau nổi tiếng của chùa Hương

Rau sắng chùa Hương

Nghe mọi người ca ngợi món rau này lắm nhưng mình mua mớ rau sắng này và đến quán cơm nhờ chị chủ quán nấu thì thấy cũng bình thường. Vừa ăn phải vừa nhổ cọng vì khá già. Chị chủ quán bào rằng có lẽ vì chị chỉ quen ăn đọt non nên không lặt bỏ cọng già cho mình. Bữa ăn trưa ở ngay cổng chùa Hương hết 150k gồm món thịt lơn mán xáo, canh rau sắng nấu thịt, trứng.


 Ở quán cơm, mình bắt gặp một con bọ khá lạ- hình như là con bọ que


Sau khi ăn xong, cả nhà cũng thưởng thúc mơ chùa Hương. Theo chú chủ quán, mơ chùa Hương hạt to, vị chua hơn các nơi khác. Phải công nhận nước mơ chùa Hương rất thơm.


Hạt mơ chùa Hương khá to

                               Ước gì có thể mag được hũ mơ này

Trên đường đi bộ từ động Hương tích xuống chân núi, cảnh cũng khá đẹp nhưng khá hoang vắng. Suốt chặng đường chẳng gặp một vị khách nào đi xuống như nhà mình, vì thế, lối đi phủ đầy lá khô, hàng quán 2 bên đường đều không hoạt động

                                                                 Cảnh hoang vắng ở lối đi bộ

Một số hình ảnh ở đường đi bộ

  Trên đường về, có một chỗ bán bánh củ mài chùa Hương, bánh rất ngon. Nhưng vì còn đi nhiều nên tôi chỉ mua có 3 hộp bánh (hình như mỗi hộp là 20k) vầ đương nhiên là lũ con tôi xử hết veo trong 2-3 ngày sau thế nên chẳng có hộp bánh nào được mang về thành phố. Hơi tiếc vì mua ít quá. Đáng lẽ, tôi nên dành đi chùa Hương vào cuối hành trình vì ở chùa Hương có rất nhiều thứ đáng để mua về: rau sắng, ô mai mơ, bánh củ mài, các loại thuốc bắc...
Trên đường đi còn hàng loạt các đền chùa khác nnhau nhưng do mệt quá (đi suốt từ 6 giờ sáng) nên chúng tôi chẳng ghé đền nào cả. Về đến chùa Thiên Trù, tôi trả cho chị chủ quán đôi dép nhựa mượn buổi sáng và mua giúp chị đó một hũ đựng tăm (giá hũ tăm cũng bằng ở Văn Miếu). Ở đây, tôi cũng thanh toán tiền chụp hình với mấy cô thợ và xảy ra những chuyện tranh cãi chẳng hay ho. Nói chung, đi chùa Hương chẳng nên chụp hình thợ làm gì: hình chụp trong động mà chỉ thấy có mỗi người đã thế lúc đầu đồng ý giá 20k/kiểu đến khi thanh toán thì lại đòi 25k. Đáng ghét!!! Trong suốt hành trình ra Bắc thì chùa Hương là chỗ chụp hình mắc nhất.
Ra đến bến đò, có một chuyện làm tôi hơi hối tiếc. Chẳng là, tôi ghé vào mua kem, chị chủ quán nói với tôi là hôm qua bị cúp điện nên kem bị chảy không còn nguyên dạng. Tôi đang phân vân có mua hay không thì quán kem bên cạnh mời tôi mua và nói kem họ mới nhập nên còn nguyên, thế là tôi mua kem của họ. Sau khi tôi mua kem xong, con gái nói với tôi: mẹ ơi, con thấy chị chủ quán lúc đầu thật thà đấy chứ. Tôi thật sự giật mình, chẳng phải hành động mua kem chỗ khác của tôi đã chứng minh cho con rằng thật thà thì thua thiệt hay sao. Đúng là làm mẹ cũng khó.



Về lại đò vào giữa trưa (khoảng 2 giờ chiều) nên trời khá nóng dù khá nhiều mày. Chị lái đò nói hai hôm trước có khách ngất vì nóng còn hôm nay mát hơn nhiều. Hình như trời thương mình, lần nào đi đò giữa trưa cũng khá mát mẻ.
                            Giữa trưa nhưng hai nhóc nhất định không đội nón

Chị lái đò đưa mình đi chuyến này thật đáng gọi là người phụ nữ đảm đang, công việc chính của chị vẫn là làm nông. Vào mùa lễ hội thì chị cũng kiếm được khá khá chứ còn vào mùa này thì thu nhập từ lái đò khá thấp. Một chuyến đò khách phải trả 300k nhưng chị chỉ được hưởng 120k, còn lại là của ban quản lí chùa Hương (hình như hơi bị bóc lột). Công việc của ban quản lí chỉ là điều hành gần ngàn đò trong mùa không lễ hội. Và như vậy, phải mấy tháng mới đến lượt đò của chị nhưng chị đi mua lại lượt đò của các gia đình xã viên (vì nhiều người chê thu nhập thấp nên không chèo). Vì mua lại lượt đò nên chị chỉ hưởng được khoảng 40-50k tiền công chèo đò một ngày mà thôi. Chị lái đò rất tự hào vì chịu khó chèo thêm nên hai con của chị đều học giỏi, ngoan. Theo chị lái đò, trước kia, đời sống của vùng này rất cơ cực, nhưng từ khi du lịch phất triển thì đời sống cũng khá hơn nhiều. Quả thực, nếu nhiều tiền, mình sẽ bo  nhiều hơn nữa cho những người lao động chân chính như chị lái đò. 


Về lại bến đò, tôi quyết định không ở lại chùa Hương nữa vì được biết các điểm khác chủ yếu là chùa chiềng. Chúng tôi đến nhà nghỉ và xin trả phòng. Chỉ chủ quán chỉ lấy 50k tiền phòng (Nói chung, nhà nghỉ này cũng là điểm nên ở lại nếu có dịp).
Lúc này, trời khá nóng. Thế là lũ con của tôi chẳng chịu đi xe buyt không máy lạnh buổi sáng. Tôi đành thuê xe taxi với giá thỏa thuận là 650k. Bác taxi này thực ra là dân ở vùng chùa Hương, bác tự mua xe và có khách thì chạy xe, bác tài xế này chạy hơi ẩu, đã thế bác còn tự hào chẳng bao giờ bị phạt vì quen cấp cao nữa chứ???
 Trên đường về, định ghé làng lụa Hà ĐÔng nhưng bác tài xế bảo làm gì còn lụa Hà Đông nữa nên tôi cũng chẳng ghé. Chúng tôi về đến Hà Nội cũng gần 5 giờ chiều và đường phố cũng đông nhưng không bị ùn tắc.
Một ngày đi bộ khá mệt nhọc, ấn tượng của hành trình này là nỗi vật vã trên xe buyt 75, sự thật thà chất phác của chị lái đò, sự láu cá của mấy cô chụp hình, sự bình yên êm ả trên dòng suối Yến, sự hùng vĩ của bạt ngàn núi đá vôi với hình dạng khác nhau và cuối cùng là cảnh đẹp đến nao lòng nơi cửa hang động Hương Tích.
  Kết thúc hành trình đầu tiên trên đất Bắc, tạm biệt chùa Hương. Dù sao đây cũng là điểm du lịch nên đến lần nữa nếu có dịp.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét